Cứu (đốt cứu = đốt ngải cứu) là đưa sức nóng tác động vào huyệt, là phương pháp trị liệu và ngăn ngừa các chứng bệnh bằng cách dẫn truyền sức nóng vào các huyệt đạo hoặc các vùng nhất định của cơ thể con người. Vật liệu chủ yếu là bột ngải cứu ép thành điếu (điếu ngải cứu) hay các viên nhỏ hình chóp hoặc trụ (mồi ngải cứu).

Ngày nay, hầu như mọi người quên mất rằng cụm từ “châm cứu” có nghĩa là “châm” và “cứu”, với đa số cách hiểu của mọi người chỉ biết đến phần “châm” mà quên đi hoặc không biết đến phần “cứu” mà hiệu quả của nó trong nhiều trường hợp còn tốt hơn phương pháp châm bằng kim.

Cách chế ngải để đốt cứu: bột ngải cứu làm bằng lá ngải cứu khô, tán nhuyễn, lọc hết phần cọng, xơ, chỉ lấy phần thịt lá. Phần bột ngải cứu này được dùng để tạo hình các đốt cứu có hình dạng và kích thước khác nhau: hình trụ dài như điếu xì gà, viên nhỏ để gắn đầu kim, hạt đậu… Có thể dùng bột ngải cứu đơn thuần hoặc pha thêm bột dược liệu khác như xạ hương, quế…

PHƯƠNG PHÁP CỨU NGẢI CÓ TÁC DỤNG NHƯ THẾ NÀO

Ngải cứu khi cháy hơ ấm lên cơ thể tạo cảm giác nóng dịu, đồng thời ngấm sâu vào trong da, tác động đến huyệt tạo cảm giác thoải mái, hiệu quả trong điều trị tỏa ra mùi thơm đặc trưng.

Sức nóng: sử dụng sức nóng (nhiệt) để trị liệu ngày nay rất phổ biến với nhiều cách khác nhau như bức xạ hồng ngoại (từ đèn hồng ngoại), chườm nóng bằng túi nước nóng, ngâm parafin, đông y cũng có phương pháp chườm thảo dược.

Nhưng điểm khác của phương pháp đốt cứu với các phương pháp kể trên đó là hiệu quả sức nóng sẽ gia tăng gấp bội nếu tác động làm nóng lên một điểm chính xác rất nhỏ của cơ thể là huyệt đạo, có đặc tính trị bệnh, làm dịu đau đối với nhiều chứng bệnh khác nhau đã được người ta biết đến hàng ngàn năm qua. Tác dụng ở đây đến từ sự kết hợp của sức nóng và hiệu quả phản xạ trị liệu của châm cứu.

Như vậy, việc sử dụng sức nóng tại một điểm chính xác gọi là huyệt thay vì sử dụng sức nóng trên một diện tích rộng như đèn hồng ngoại sẽ tăng cường tác dụng gấp nhiều lần.

Theo các nguyên lý của thần kinh, những kích thích bên ngoài khi tới da đều được những dây thần kinh ở nơi bị kích thích đưa về não. Kích thích bởi nhiệt cũng vậy.

Ngải cứu khi cháy đỏ tạo ra sức nóng từ 500 – 6000C, thuộc thành phần tia hồng ngoại trong dải quang phổ. Khi được giữ ở khoảng cách phù hợp bên trên làn da thì mồi ngải không tạo ra bất cứ cảm giác khó chịu nào, không để lại dấu vết gì trên da.

Y học cổ truyền coi hai phương pháp châm và cứu có tầm quan trọng ngang nhau. Châm thường sử dụng trong điều trị bệnh thuộc thực (mới bị bệnh), bệnh thuộc nhiệt (nóng); cứu thường sử dụng trong bệnh lý thuộc hư (bệnh đã lâu), bệnh thuộc hàn (lạnh).

Theo học thuyết âm dương, nếu gọi châm là dương thì cứu là âm, cho nên cứu chịu nửa phần trách nhiệm trong việc trị bệnh.

Từ thời thượng cổ, việc đốt cứu đã phát triển mạnh tại Á châu: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn quốc. Trong nhiều thời đại lịch sử Trung Quốc, việc trị bệnh bằng châm kim nhiều khi phải nhường bước cho việc trị bệnh bằng đốt cứu.

CÁC CÁCH SỬ DỤNG CỨU NGẢI

Cứu điếu ngải: 

Ngải cứu được chế thành điếu hình trụ dài, khi đốt cháy một đầu, tay thầy thuốc cầm điếu ngải hơ trên huyệt đạo của người bệnh. Có 4 cách đốt điếu ngải chữa bệnh như sau:

Cứu điếu ngải để yên (cứu ấm): đốt đầu điếu ngải, hơ trên huyệt, cách da độ 2cm. Khi người bệnh thấy nóng thì cách xa dần ra, đến mức nào người bệnh thấy nóng ấm và dễ chịu thì giữ nguyên khoảng cách đó cho đến khi vùng da được cứu hồng lên là được (thường 1  – 3 phút cho 1 huyệt và khoảng 15 -20 phút cho 1 lần điều trị). Khi cứu nên dùng ngón tay út, đặt lên da làm điểm tựa để cố định khoảng cách đầu điếu ngải với da. Cách cứu này dùng cho mọi chỉ định của cứu.

Cứu xoay tròn: đặt diếu ngải cách da 2cm khoảng đủ thấy nóng ấm, rồi từ từ di chuyển điếu ngải theo vòng tròn, từ hẹp tới rộng. Khi người bệnh thấy nóng đều vùng định cứu là được. Thường kéo dài khoảng 20 phút/ lần điều trị. Cách cứu này hay dùng để chữa các bệnh ngoài da.

Cứu điếu ngải lên xuống (cứu mổ cò): đưa đầu điếu ngải lại gần sát da (người bệnh có cảm giác nóng rát) rồi lại kéo điếu ngải xa ra, làm như thế nhiều lần, thường cứu trong khoảng 1-3 phút/ huyệt và 20 phút cho lần điều trị. Cách cứu này thường dùng cho chứng thực và trong chữa bệnh cho trẻ em.

Cứu mồi ngải:

Viên trên da: 

Đặt viên ngải cứu hình chóp trên da và đốt trực tiếp, khi bệnh nhân cảm thấy nóng và ngải chưa cháy hết đến phần chân thì lấy ra, phần da hơi đỏ ửng lên là được, không để người bệnh bị phỏng. Thầy thuốc cần theo dõi sát người bệnh và lấy viên ngải ra đúng lúc.

Cách gừng, cách muối, cách tỏi: 

Đặt một lát gừng hoặc rải một lớp muối, một lát tỏi lên da người bệnh rồi đặt mồi ngải lên trên. Mồi ngải cháy rạo ra sức nóng thấm qua muối, tỏi, gừng rồi mới tới da người bệnh. Phương pháp này an toàn hơn đặt viên ngải trực tiếp lên da. Thầy thuốc cần theo dõi sát người bệnh. Cứu cách gừng áp dụng cho bệnh lý ngoại cảm, khu phong tán hàn; cứu cách muối thường ôn trung tán hàn hoặc hồi dương cứu nghịch thường sử dụng ở rốn, cứu cách tỏi thuồng sử dụng ở vùng da bị viêm: khu phong, thanh nhiệt (tại chỗ).

Trên đuôi cây kim:

Sức nóng lan theo cây kim vào chính xác huyệt đạo, tác dụng tại huyệt đạo vừa do tác dụng của châm kim vừa do sức nóng của ngải cứu. Các bệnh đau nhức do phong thấp kinh niên (khu phong trừ thấp) và các chứng đau mạn khác như thoái hóa khớp rất hiệu quả sau vài lần điều trị.

Thời gian:

Thời gian cứu trên một huyệt đạo từ 1 – 3 phút; cứu 1 lần 15 – 20 phút. Cứu 1 – 2 lần/ngày, liệu trình 10 – 12 ngày hoặc lâu hơn tùy thuộc sự đáp ứng của từng bệnh nhân. Hầu như không có có hiện tượng bị lờn, nghiện đối với phương pháp cứu, cứu hỗ trợ cơ thể lập lại sự quân bình âm dương.

Một số trường hợp không nên cứu:

– Không cứu khi bệnh nhân sốt cao.

– Thận trọng với vùng mặt vì lý do thẩm mỹ (có thể gây sẹo do phỏng), vùng bụng dưới hoặc tại vùng xương chậu của phụ nữ đang thai nghén. Một số huyệt đạo không nên cứu vì lý do gần sát động mạch quan trọng, huyệt gần mắt, vùng dễ để lại sẹo do vùng da thường xuyên co kéo như kheo chân, khuỷu tay…

Tóm lại: nếu châm giải quyết các bệnh cấp tính, mới mắc, bệnh về nhiệt thì hiệu quả của cứu thiên về bệnh lý đã lâu (hư), thiên về bệnh lý hàn (lạnh)  hiệu.

MỘT SỐ BỆNH LÝ CỨU NGẢI RẤT HIỆU QUẢ

– Đau cột sống: Đốc du, A thị huyệt…

– Suy nhược thần kinh: Bách hội, Nội quan, Túc tam lý, Thần môn, Tâm du…

– Nấc cụt: Cách du, Nội quan…

– Mất ngủ: Ngoại lăng, Thất miên…

– Thiếu sữa: Đản trung, Nhũ căn, Thiếu trạch…

– Đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, do tư thế: A thị huyệt.

– Khó tiêu hóa: Trung quản, Thần khuyết, Túc tam lý.

– Liệt dây VII ngoại biên:  Nhân trung, Ấn đường, Địa thương, Giáp xa, Ế phong, Phong trì…

– Côn trùng chích: cứu xoay tròn trên vùng bị chích.

– Cảm sổ mũi: Nghinh hương, Bách hội, Phong trì, Thần đình, Phế du, Cao hoang, Kinh cự.

– Mụn trứng cá: cứu cách tỏi vùng mụn,

– Mất tiếng: cứu các huyệt Khổng tối, Thiên đột, Ngoại kim tân, Ngoại ngọc dịch…

– Đau bụng do bị lạnh bụng: cứu ngay rốn (Thần khuyết).

Trên lâm sàng cứu có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp một liệu trình gồm: châm kết hợp với cứu; hoặc cứu ấm kết hợp xoa bóp vùng; hoặc cứu kết hợp day ấn huyệt. Nhiều trường hợp không thể hoặc khó châm do tâm lý ngại hoặc sợ châm thì cứu tỏ ra hiệu quả trong điều trị. có thể kết hợp rất hiệu quả giữa xoa bóp – bấm huyệt và cứu ấm trong trường hợp phụ nữ có thai, trẻ em…

Ngày nay phương pháp cứu ít được sử dụng vì rất mất thời gian và tốn nhân lực, thầy thuốc phải ngồi cứu liên tục từ 15 – 20 phút trên một bệnh nhân, người ta thích dùng các phương pháp làm ấm khác như đèn hồng ngoại, túi chườm thảo dược… sẽ tiện lợi và nhanh chóng hơn. Hơn nữa khi đốt điếu ngải để cứu sẽ tạo ra khói và mùi đặc trưng của ngải, khó sử dụng trong phòng máy lạnh. Tuy nhiên, cứu là phương pháp cổ truyền độc đáo cần phát huy và duy trì vì có những tính năng riêng và hiệu quả mà không phương pháp nào thay thế được, cần được nhìn nhận đúng thực chất, hiệu quả để cứu có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với châm tạo nên phương pháp điều trị là “châm cứu” hoặc cứu có thể thay thế nhiều trường hợp không thích hợp với thể châm mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị trong y học cổ truyền.

DƯỠNG SINH BẰNG TAY – DÙNG NGAY DUNG NGUYÊN ĐƯỜNG
——————————————————
DUNG NGUYÊN ĐƯỜNG -XU HƯỚNG DƯỠNG SINH ĐỨNG ĐẦU 2024